Rối loạn phổ tự kỷ là gì?
Rối loạn phổ tự kỷ gây ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ và khiến một người gặp khó khăn trong việc nhận thức và giao tiếp xã hội với người khác. Chứng bệnh này cũng bao gồm các kiểu hành vi có giới hạn và lặp đi lặp lại. Chẳng hạn như hành vi bật công tắc điện lặp lại liên tục, nhìn hình ảnh quạt quay, chạy đi chạy lại không có mục đích ở trẻ em.
Rối loạn phổ tự kỷ sẽ bắt đầu xuất hiện triệu chứng ngay từ thời thơ ấu và cuối cùng gây ra các vấn đề hoạt động trong xã hội của cá nhân trong tương lai. Chẳng hạn, trẻ không thể hòa nhập với cộng đồng vì có xu hướng thích ở một mình, làm một mình.
Thông thường trẻ em sẽ xuất hiện các triệu chứng của bệnh tự kỷ trong vòng một năm đầu tiên. Một số ít trẻ có vẻ phát triển bình thường trong năm đầu tiên, sau đó trải qua giai đoạn thoái triển từ 18 đến 24 tháng tuổi khi chúng xuất hiện các triệu chứng tự kỷ rõ ràng hơn.
Vì vậy, phụ huynh cần chú ý quan sát và nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong tiến trình phát triển của con để có phương pháp điều trị kịp thời, cải thiện các triệu chứng của bệnh giúp bé có thể hòa nhập với cộng đồng trong tương lai.
Nguyên nhân hình thành rối loạn phổ tự kỷ
Cho đến hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân thực sự gây nên rối loạn phổ tự kỷ. Thế nhưng, có những nhận định cho rằng hội chứng tâm lý này có thể hình thành bởi sự kết hợp của cả hai nguyên nhân là di truyền và môi trường sống. Cụ thể:
- Nguyên nhân di truyền: Những nhóm gen khác nhau giữa bố và mẹ kết hợp lại dường như có sự liên quan nhất định đến chứng rối loạn phổ tự kỷ. Chẳng hạn, hội chứng Rett hoặc hội chứng X dễ vỡ là nguyên nhân rõ ràng của hội chứng này. Ngoài ra, những thay đổi về gen (đột biến) có thể làm tăng nguy cơ mắc tự kỷ ở trẻ em.
- Nguyên nhân môi trường: Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm hiểu xem liệu các yếu tố như nhiễm vi-rút, thuốc men hoặc các biến chứng khi mang thai, hoặc các chất ô nhiễm không khí có đóng vai trò gây ra rối loạn phổ tự kỷ hay không.
Vì những nguyên nhân này nên chúng ta không thể chữa khỏi hoàn toàn rối loạn phổ tự kỷ mà chỉ có thể tác động, hướng dẫn để giúp trẻ giảm bớt được các hành vi, học cách tương tác với xã hội nhằm giúp người bệnh hòa nhập với cộng đồng, có được cuộc sống như người khỏe mạnh bình thường.
Các triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ
Hiện nay, rối loạn phổ tự kỷ được xác định là hội chứng tâm lý có đa dạng các triệu chứng khác nhau. Tùy vào từng độ tuổi và mức độ, dấu hiệu của tự kỷ sẽ có sự khác biệt nhất định. Chẳng hạn, một số trẻ có các dấu hiệu của rối loạn phổ tự kỷ trong giai đoạn sơ sinh, chẳng hạn như giảm giao tiếp bằng mắt, không đáp lại tên của chúng hoặc thờ ơ với người chăm sóc.
Mỗi trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ có thể có một kiểu hành vi và mức độ nghiêm trọng khác nhau. Có những trẻ có hành vi bật tắt công tắc, chơi tay, nhưng có trẻ lại thích chơi mắt bằng cách nhìn các vật xoay tròn, mắt lờ đờ không có điểm nhìn…
Những đứa trẻ khác có thể phát triển bình thường trong vài tháng hoặc vài năm đầu đời, nhưng sau đó đột nhiên trở nên thu mình hoặc hung hăng thậm chí là mất các kỹ năng ngôn ngữ mà chúng đã có. Các dấu hiệu thường được nhìn thấy rõ nhất khi trẻ 2 tuổi.
Một số trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ gặp khó khăn trong học tập, một số có dấu hiệu trí tuệ thấp hơn bình thường. Nhưng có những đứa trẻ lại rất thông minh, học hỏi nhanh chóng, nhưng gặp khó khăn khi giao tiếp và áp dụng những gì chúng biết trong cuộc sống hàng ngày và thích nghi với các tình huống xã hội.
Triệu chứng tự kỷ trong giao tiếp xã hội
Trong các tình huống giao tiếp và tương tác xã hội, người mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ thường có xu hướng xuất hiện những triệu chứng dưới đây:
- Không trả lời khi được gọi tên, đôi khi dường như không nghe thấy người khác đang gọi mình.
- Chống lại việc ôm ấp, thích chơi một mình
- Giao tiếp bằng mắt kém và thiếu biểu cảm trên khuôn mặt
- Không nói được hoặc bị chậm nói
- Hệ thống ngôn ngữ kém linh hoạt, không nói được câu đầy đủ
- Không thể bắt đầu một cuộc trò chuyện hoặc tiếp tục một cuộc trò chuyện hoặc chỉ bắt đầu một cuộc trò chuyện để đưa ra yêu cầu. Chẳng hạn như hay vì nói “Mẹ ơi, vào ăn cơm” thì trẻ 3- 4 tuổi chỉ nói được “Ăn cơm” hoặc “Mẹ ăn cơm”.
- Lặp lại nguyên văn các từ hoặc cụm từ nhưng không hiểu cách sử dụng chúng
- Dường như không hiểu các câu hỏi hoặc hướng dẫn đơn giản từ người khác
- Không thể hiện cảm xúc và không biết phân biệt cảm xúc vui buồn của người khác
- Không biết cách chỉ tay để đưa ra yêu cầu với trẻ 1 tuổi
- Khó nhận ra các tín hiệu phi ngôn ngữ, chẳng hạn như diễn giải nét mặt, tư thế cơ thể hoặc giọng nói của người khác
Triệu chứng qua hành động
Một người khi mắc rối loạn phổ tự kỷ thường có thể phân biệt qua những hành vi mang tính đại diện dưới đây:
- Thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại, chẳng hạn như bập bênh, xoay tròn hoặc chạy đi chạy lại
- Thực hiện các hoạt động có thể tự gây hại cho bản thân, chẳng hạn như cắn hoặc đập đầu
- Phát triển các thói quen hoặc nghi thức cụ thể
- Có vấn đề về phối hợp hoặc có các kiểu cử động kỳ lạ, chẳng hạn đi nhón chân, dơ tay lên ngang mặt đưa đi đưa lại (chơi tay và chơi mắt).
- Bị mê hoặc bởi các chi tiết của một đồ vật, chẳng hạn như bánh xe quay của một chiếc ô tô đồ chơi, nhưng không hiểu chức năng tổng thể của ô tô.
- Không có cảm giác với nhiệt độ. Chẳng hạn dùng đá lạnh hoặc nước nóng chườm vào da nhưng trẻ không có phản ứng.
- Ít có phản ứng với âm thanh, ánh sáng. Dùng gỗ gõ thành âm thanh lớn bên tai nhưng trẻ không phản ứng.
- Không tham gia vào trò chơi bắt chước.
- Có sở thích thực phẩm cụ thể, chẳng hạn như chỉ ăn một vài loại thực phẩm.
- Từ chối thực phẩm có kết cấu nhất định, chẳng hạn như không ăn các quả có màu đỏ.